12 năm truyền nghề đan móc cho người khuyết tật - 1 niềm suy tư trăn trở của người cô luôn hướng về các học trò khuyết tật thân yêu của mình.

Một cây làm chẳng nên non - Ba cây chụm lại nên hòn núi cao - Một con én không làm nên mùa xuân, mọi người hãy cùng tôi chung tay góp sức để làm nên mùa xuân tươi đẹp cho người khuyết tật nhé.

(PLO) - Suốt 12 năm qua, cô Lê Thị Hồng Hoa (62 tuổi, ngụ phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) vẫn miệt mài dạy nghề đan móc miễn phí cho nhiều người khuyết tật. Không dừng lại ở đó, người phụ nữ này còn thành lập cơ sở sản xuất sản phẩm thủ công đan móc và thu nhận, tạo việc làm cho toàn bộ học trò của mình.

                                                                    

                                          Phút suy tư của cô Hoa về cơ sở  dạy nghề đan móc

 

“Mẹ đỡ đầu” của những mảnh đời bất hạnh

Cách đây khoảng 50 năm, cô nữ sinh Hồng Hoa vì đam mê đan móc đã nảy sinh ý định phát triển nghề này nhưng do hoàn cảnh không cho phép nên đành gác lại. Đến năm 2000, cô Hoa vào giảng dạy trong Trường Dạy nghề trẻ khuyết tật TP Cần Thơ. Ban đầu, có chút lo lắng do đa phần các em đều là trẻ khiếm thính rất khó giao tiếp như người bình thường. Nhưng sau một thời gian, cô quen dần cách giao tiếp với các em bằng những chữ viết trên giấy và cố gắng diễn đạt ngắn gọn để các em dễ hiểu.

Vì cảm phục tinh thần chịu khó, ham học hỏi của các học sinh khiếm khuyết, cô Hoa đã dành trọn tình cảm và truyền thụ hết những gì mình biết. Tuy nhiên ba năm sau đó, Trường Dạy nghề trẻ khuyết tật TP Cần Thơ đột ngột thông báo không có nhu cầu dạy nghề đan móc nữa. Nghe tin này khiến cô Hoa rất buồn. Biết bao tâm huyết, cố gắng gần như tan biến. Niềm hi vọng lưu truyền và phát triển nghề vừa nhen nhóm nay lại vụt tắt. Không khuất phục trước số phận, người phụ nữ này quyết định mở cơ sở dạy nghề đan móc miễn phí và tạo việc làm cho người khuyết tật ngay tại nhà.

Ban đầu, khi thành lập cơ sở, chỉ có bốn em đến học nhưng cũng “bữa đực bữa cái”, không đều đặn. Một vài em do nhà xa nên đành bỏ ngang. Không nản chí, cô Hoa chủ động tìm đến tận nhà các em khuyết tật, vận động, thuyết phục phụ huynh đưa các em đến học nghề. Với suy nghĩ: “Đan móc là công việc rất dễ và nhẹ nhàng. Tất cả các em đều làm được và có thể tự kiếm tiền sinh hoạt hàng ngày”, cô vẫn tiếp tục duy trì lớp học này. Hiện nay lớp duy trì dạy cho 20 người khuyết tật.

Cô Hoa chia sẻ: “Mặc dù bị khiếm khuyết nhưng các em có ý chí và nghị lực rất cao. Đến nay các em đều có kinh nghiệm và làm nghề thành thục. Người ít nhất cũng có kinh nghiệm 1- 2 năm. Mỗi ngày các em kiếm được khoảng 50.000 đồng, phần nào đảm bảo chi phí sinh hoạt cá nhân”.

Bên trong cơ sở dạy nghề đan móc của cô Hoa

Nơi vun bồi niềm tin, hy vọng

Với tấm lòng nhiệt thành và tâm huyết với những người khuyết tật của cô Hoa, mong rằng các đơn vị, Cty, doanh nghiệp, các tổ chức cá nhân có lòng hảo tâm cùng chung tay hỗ trợ để lan tỏa, tìm đầu ra cho sản phẩm để góp phần duy trì mô hình ý nghĩa này. Đồng thời, tạo việc làm, điều kiện kinh tế đảm bảo cuộc sống cho những người khuyết tật.

Hơn chục năm nay, lớp học nghề đan móc miễn phí của cô Hoa trở thành “ngôi nhà thứ 2” tiếp thêm hy vọng, niềm tin cuộc sống cho những người khuyết tật. Đặc biệt, chính nơi đây cũng là nơi “mai mối” cho chuyện tình đẹp của anh Nguyễn Hoàng Phú (30 tuổi) và chị Trang Thị Hồng Thảo (29 tuổi). Trong thời gian học nghề tại đây, hai anh chị đã cảm mến nhau và cùng nhau cố gắng. Sau đó, đám cưới diễn ra trong niềm vỡ òa hạnh phúc chung vui của mọi người. Nhắc đến câu chuyện đẹp này, cô tự hào: “Phú có bản tính cần cù, sáng tạo, ham học hỏi và có khả năng chỉ dạy cho những người khuyết tật khác bất kì nơi nào trên thế giới nếu họ cùng sử dụng ngôn ngữ kí hiệu”. Nhờ vậy mà cô Hoa tin tưởng, hy vọng trong tương lai gần nghề đan móc sẽ lan tỏa đến những người khuyết tật, khiếm thính khắp xa hơn.

Hiện tại, không chỉ dạy nghề cho người khiếm thính, cô Hoa còn mở rộng dạy cho những đối tượng khuyết tật khác. Ông Nguyễn Tôn Định (64 tuổi) chia sẻ: “Do chân tôi bị khuyết tật từ nhỏ nên không thể vận động bình thường, chủ yếu nhận trợ cấp từ Nhà nước. Từ khi tôi vào làm đan móc ở đây cảm thấy thoải mái và có thêm thu nhập riêng. Cảm ơn cô Hoa đã tạo ra môi trường làm việc cho những người khuyết tật như tôi”.

Ngoài việc rèn luyện nghề đan móc và có thêm thu nhập, những học sinh trẻ còn cơ hội giao lưu, học hỏi lẫn nhau thông qua công việc, xóa đi khoảng cách của sự mặc cảm, tự ti đối với xã hội. Đây cũng là một trong những mục đích mà cô Hoa đã suy nghĩ trước khi thành lập cơ sở đan móc.  

Tuy nhiên, vấn đề khó khăn hiện nay là việc tìm đầu ra cho các sản phẩm đan móc. Hiện các sản phẩm này chỉ được giới thiệu hạn chế ở những gian hàng nhỏ trong các khu du lịch của địa phương. Mỗi ngày, cô luôn cùng học trò tìm đầu ra cho sản phẩm để tạo kinh phí duy trì hoạt động của cơ sở cũng như trả tiền công cho các em. Cô luôn cố gắng tìm cơ hội quảng bá sản phẩm thông qua các hội chợ, các khu du lịch. Khi nghe tin ở đâu có tổ chức hội chợ, có khu du lịch mới cô đều đến gửi đơn xin được tham gia. Cô thở dài: “Sản phẩm của các em làm tương đối khó tiếp cận khách hàng. Số lượng bán ra không đáng bao nhiêu, nhưng chi phí hoạt động cơ sở thì cao hơn mức thu nhập thực tế. Tuy vậy, cô sẽ cố gắng duy trì cơ sở đến cùng”.

                                                                                                                          

                                                                                                                                                                   Thanh Sang

 

 

Tin mới đăng

Tin gần đây