Bài báo Hoa Đẹp Cho Đời

Hoa đẹp cho đời
Thứ hai, 05/06/2017 06 giờ 50 GMT+0

Một sáng cuối tháng 5, khi đến thăm doanh nghiệp tư nhân Hoa đan móc, chuyên sản xuất sản phẩm thủ công của người khuyết tật tại TP Cần Thơ, chứng kiến các bạn trẻ khiếm thính, khuyết tật vận động thoăn thoắt đôi tay, mỗi người một công đoạn tạo ra những chiếc túi xinh xắn, chúng tôi như hòa chung niềm vui với ánh mắt long lanh, nụ cười tươi tắn của những con người đầy nghị lực này. Và hơn hết là sự cảm phục đối với chủ doanh nghiệp Lê Thị Hồng Hoa. Với tấm lòng thiện nguyện, cô Hoa truyền nghề đan móc miễn phí, tạo công ăn việc làm, giúp nhiều trường hợp kém may mắn ổn định cuộc sống.
Doanh nghiệp Hoa đan móc tọa lạc trên đường Trần Phú (cạnh Trung tâm Văn hóa TP Cần Thơ, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều), từ lâu như mái ấm thứ hai của nhiều bạn trẻ khuyết tật. Kiên nhẫn hướng dẫn học viên chỉnh sửa màu sắc và một số lỗi kỹ thuật đan móc, cô Hoa tâm sự chuyện đời, chuyện nghề. Cô cho rằng, gắn bó với người khuyết tật là cái duyên, nên cố gắng giúp đỡ bằng hết khả năng của mình để các bạn có thể sống được với nghề, không trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội. Để học viên hiểu bài, cô có phương thức truyền đạt phù hợp khiếm khuyết từng người. Đối với nhóm khuyết tật vận động, nhưng nghe, nói được, dễ tiếp thu bài hơn, còn với nhóm khiếm thính, cô trò trao đổi bằng cách viết trên giấy, ra dấu, cô thực hiện một công đoạn nhiều lần để học viên nắm. Mỗi khi các bạn hào hứng khoe sản phẩm vừa hoàn thành, bạn nào làm đẹp cô động viên, còn chưa đạt thì tận tình hướng dẫn từng đường nét. Mỗi sản phẩm làm ra, các bạn được trả công tương xứng.

Cô Hồng Hoa  đang hướng dẫn một học viên đan móc.

 

Chị Nguyễn Thị Diễm An, 32 tuổi (huyện Cờ Đỏ) là thợ rành nghề nhất tại doanh nghiệp. Lúc nhỏ, do bệnh nặng khiến chân trái của An bị liệt. Vốn là cô gái năng động, An học nghề may, uốn tóc để mưu sinh nhưng không trụ được lâu. Sau này, khi được học nghề đan móc và tạo điều kiện ăn ở nhà cô Hoa, An gắn bó hơn 2 năm qua, thu nhập khoảng 2 triệu đồng/tháng. Khoe chiếc giỏ xinh xắn vừa ráp xong, An phấn khởi cho biết: "Nhờ có nghề nghiệp, thu nhập ổn định, nên em tự tin hơn nhiều. Theo em, nghề đan móc rất phù hợp với người khuyết tật, có thể tìm việc làm kiếm sống". Huyền Trân, 25 tuổi, khuyết tật khiếm thính (quận Cái Răng) "kể " qua chữ viết trên giấy: "Em làm nghề này được 3 năm, thu nhập khoảng 1 triệu đồng/tháng. Em vui lắm vì có nghề lo cho bản thân". Một bạn tên Ngọc, 22 tuổi (khuyết tật khiếm thính), vào doanh nghiệp làm hơn 1 năm, có thu nhập khá. Hai vợ chồng Thảo – Phú có cuộc sống ổn định hơn nhờ nghề đan móc, những khi làm hàng nhiều, Phú kiếm hơn 2 triệu đồng/tháng.
Vốn say mê nghề đan móc từ nhỏ nhưng phải vài chục năm sau, khi con cái trưởng thành, gia đình ổn định, cô Hoa mới có thời gian thực hiện đam mê, bắt đầu từ việc dạy nghề ở Trường Dạy trẻ khuyết tật TP Cần Thơ. Năm 2007, cô được cấp phép mở cơ sở dạy nghề Hoa đan móc, ở phường An Thới (quận Bình Thủy). Đến năm 2010, cơ sở dời về phường Cái Khế, sau đó chuyển thành doanh nghiệp, hoạt động ổn định đến nay. Cô Hoa không nhớ truyền nghề miễn phí bao nhiêu người, chỉ cảm thấy mỗi ngày niềm vui được nhân lên khi chứng kiến sự đổi thay tích cực từ những phận đời kém may mắn. Không chỉ dành sự ưu ái cho người khuyết tật, cô còn hướng dẫn sinh viên tham gia bán hàng và hướng dẫn kỹ thuật đan móc cho các cô cao tuổi nhà gần trụ sở để thêm thu nhập.
Với đội ngũ nhân viên chịu khó, ham học hỏi, cùng chủ cơ sở từ tâm, dày dặn kinh nghiệm, nhiều sản phẩm đan móc của cơ sở như: bóp, khăn, nón, móc khóa, túi đựng điện thoại, tranh thêu…, đủ kiểu dáng, tinh xảo đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành. Khách nước ngoài đến TP Cần Thơ rất ưa chuộng các sản phẩm được bày bán ở Khu du lịch Mỹ Khánh, Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam… Doanh nghiệp Hoa đan móc từng được mời tham gia trình diễn nghề thủ công truyền thống trong Chương trình Sắc xuân miệt vườn năm 2016, góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc cũng như được tặng nhiều giấy khen vì có nhiều đóng góp trong duy trì và phát triển các sản phẩm đặc trưng vùng ĐBSCL. Hiện tại, đầu ra sản phẩm khá ổn định nhưng cô Hoa vẫn chưa dám nhận đơn hàng lớn vì không đủ nguồn nhân lực. Cô đang tìm cách tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người khuyết tật khắp nơi tiếp cận với nghề này, có việc làm phù hợp để mưu sinh.
Với việc làm đầy ý nghĩa, cô Hoa nhận được sự ủng hộ lớn từ gia đình, bạn bè. Đặc biệt là chồng cô, nhà hảo tâm tại địa phương với trại hòm từ thiện, chuyên chở thuốc nam và người bệnh miễn phí… Cô Hoa chia sẻ: "Chúng tôi muốn góp một phần công sức bù đắp phần nào thiệt thòi cho người khuyết tật. Học nghề này không chỉ giúp người khuyết tật có điều kiện ổn định cuộc sống mà còn có thể giúp đỡ người cùng cảnh ngộ, cùng nỗ lực vươn lên, hòa nhập xã hội". Cô Hồng Hoa và các cộng sự tựa như những đóa hoa tỏa hương thơm cho đời, đang viết nên câu chuyện đẹp bằng nghị lực, niềm tin, rất đáng trân trọng!
Bài, ảnh: KIỀU CHINH


 

Tin mới đăng

Tin gần đây