Những người giàu nghị lực
Các bạn ở Cơ sở dạy nghề Hoa Đan Móc phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ đang thực hành đan móc. Trong ảnh từ trái qua: Bạn Loan, bạn Phú, bạn Thảo. |
Nhìn những sản phẩm đan móc sắc sảo, tinh tế ở gian hàng Hoa Đan Móc nhỏ nhắn nằm trong khu ẩm thực, giải trí của Khu du lịch sinh thái Phù Sa (TP Cần Thơ), ít ai biết đó là thành quả lao động không chỉ của cô Lê Thị Hồng Hoa ở Cơ sở dạy nghề Hoa Đan Móc, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, mà còn là công sức từ những bàn tay khéo léo của các em khuyết tật được cô tận tình hướng dẫn. Họ là những con người giàu nghị lực, luôn vươn lên trong cuộc sống với những ước mơ cao đẹp.
Những kiến thức cơ bản về đan móc mà cô Hoa được học từ năm 1968, khi còn là một học sinh phổ thông của Trường Nữ Trung học Đoàn Thị Điểm, đã khiến cô đam mê và luôn hy vọng có cơ hội phát triển nghề thủ công này. Tuy nhiên, cô phải tạm gác ước mơ của mình để lo cho các con ăn học. Khi gia đình ổn định, hai con đã du học nước ngoài, cô bắt đầu thực hiện ước mơ phát triển nghề đan móc gắn liền với công tác xã hội.
Ý định tạo cơ hội việc làm cho người khuyết tật lóe lên, thế là, cô Hoa quyết định xin vào làm giáo viên dạy nghề ở Trường Dạy trẻ khuyết tật TP Cần Thơ, từ năm 2003. Công việc chuyên môn đối với cô không khó, nhưng để có thể dạy thật tốt, nhất là đối với các em khuyết tật câm điếc, thì không hề đơn giản. Khi mới bắt đầu dạy nghề cho các em khuyết tật, cô rất lo lắng, nhưng chỉ sau vài ngày làm quen, cô đã nhận ra các em rất ham học. Mặc dù có nhiều khiếm khuyết, nhưng các em rất cố gắng, điều đó làm cô vô cùng khâm phục. Cô Hoa nhớ lại: “Có lần, sau khi hướng dẫn thật kỹ một em thực hành đan móc, tôi mải hướng dẫn các em khác, khi nhìn lại, em ấy đã móc được rất nhiều nhưng có một vài chi tiết sai, tôi buộc phải tháo ra hết và hướng dẫn em làm lại từ đầu. Em này nhìn tôi khóc mướt, nhưng rồi cũng chịu khó ngồi móc lại từ đầu. Tuy bị câm điếc nhưng các em luôn nỗ lực vượt qua rào cản này, nắm bắt các thao tác rất nhanh”. Lớp học có gần 20 em thì tất cả đều khuyết tật câm điếc, vì thế cô trò phải giao tiếp với nhau bằng giấy và viết. Cô phải lựa chọn từ ngữ diễn đạt thật đơn giản, dễ hiểu để truyền tải kiến thức đến với các em.
Cô tâm sự: “Lúc mới tiếp xúc với các em, tôi hay bị giật mình vì nhiều em khi muốn được hướng dẫn lại, do không nói được, các em đến khều nhẹ vào vai tôi khi tôi đang chăm chú hướng dẫn các em khác. Những lúc ấy, tôi rất cảm động, và cũng từ đó, tôi tập đánh giá mức độ hiểu biết của các em thông qua ánh mắt”. Gần 3 năm công tác ở Trường Dạy trẻ khuyết tật đã giúp cô Hoa có được nhiều kinh nghiệm trong việc tiếp xúc, nắm bắt tình cảm của những người khuyết tật. Với cô, để các em khuyết tật nắm bắt tốt từng thao tác, đòi hỏi người giáo viên phải mềm mỏng, chịu khó, tuyệt đối không được nóng nảy, luôn quan tâm chia sẻ tránh làm tổn thương tinh thần của các em.
Năm 2006, khi Trường Dạy trẻ khuyết tật không còn nhu cầu dạy nghề đan móc, nhưng với hy vọng tiếp tục góp sức mình bù đắp phần nào thiệt thòi cho người khuyết tật, cô Hoa nung nấu ý tưởng thành lập cơ sở dạy nghề đan móc tại nhà dành riêng cho người khuyết tật, đặc biệt là khuyết tật câm điếc. Mạnh dạn đưa ý tưởng ra thảo luận, cô Hoa đã nhận được sự ủng hộ về tinh thần và vật chất từ gia đình và bạn bè. Thế là cơ sở dạy nghề Hoa Đan Móc ra đời. Nhằm giúp các em khuyết tật có nghề nghiệp nuôi sống bản thân, cô Hoa không chỉ nhận dạy nghề miễn phí mà còn trả công cho các em. Trung bình, một ngày mỗi em hoàn thành được hơn một sản phẩm đơn giản, tiền công khoảng 20.000 đồng. Khi mới mở cơ sở, cô Hoa có 4 học trò theo học, nhưng có một em khuyết tật câm điếc ở quận Ô Môn, vì nhà xa, phương tiện đi lại khó khăn nên đành phải bỏ học. Tuy vậy, cô Hoa không nhận học viên khác mà chỉ nhận dạy nghề cho đối tượng người khuyết tật. Cô tâm sự: “Tôi thành lập cơ sở này chủ yếu để dạy nghề cho các em khuyết tật, với mong muốn các em có nghề nghiệp ổn định”. Không dừng lại ở đó, cô Hoa còn hy vọng có thể đào tạo các em khuyết tật câm điếc trở thành những giáo viên dạy nghề cho các em cùng cảnh ngộ khác.
Đến với Cơ sở dạy nghề Hoa Đan Móc của cô Hoa, tôi mới cảm nhận được sự thân thiện, hòa đồng, siêng năng học hỏi của các em khuyết tật đang làm việc tại đây. Em Trần Thị Thúy Loan, ở phường Hưng Phú, quận Cái Răng, đã theo học nghề với cô Hoa được hơn 2 năm. Dù đôi chân khuyết tật nhưng cứ đều đặn mỗi ngày, 8 giờ sáng Loan đã có mặt tại cơ sở và kết thúc ngày học việc lúc 16 giờ. Em Nguyễn Hoàng Phú bị khuyết tật câm điếc, nhà ở phường Cái Khế, quận Ninh Kiều đã theo học nghề đan móc với cô Hoa được 5 năm. Không chỉ học nghề trực tiếp từ cô Hoa, Phú còn học qua sách và mạng internet. Phú có thể nhìn theo những ký hiệu trong sách, đôi tay thoăn thoắt thêu từng mũi chỉ tạo ra những hình ảnh sinh động, sắc nét trên sản phẩm. Em Trang Thị Hồng Thảo ở phường Thới Bình, quận Ninh Kiều, bị khuyết tật câm điếc, rất hòa đồng cùng bạn bè. Sau 2 năm thành lập cơ sở, cô Hoa đã đào tạo khá thành thạo nghề đan móc cho 3 học viên khuyết tật. Hiện nay, các em đều muốn gắn bó lâu dài với nghề. Đặc biệt, các em luôn nung nấu ước mơ trở thành thầy cô giáo dạy nghề đan móc cho những người cùng cảnh ngộ. Phú nắn nót viết những suy nghĩ của mình lên trang giấy: “Phú thương các bạn khuyết tật lắm, Phú muốn giúp đỡ các bạn học nghề đan móc”. Để tạo ra những vật dụng thủ công tinh tế và đẹp mắt, các bạn đã vượt qua không ít khó khăn thử thách. Loan kể: “Khi mới học nghề, chỉ mỗi việc cầm móc và chỉ đã rất khó khăn, tay mỏi nhừ, chưa nói đến việc vừa móc rồi, chỉ cần lỗi một mũi chỉ là phải tháo ra làm lại. Nhưng nhờ cô Hoa tận tình hướng dẫn nên khoảng vài ngày là có thể móc được những mũi cơ bản”.
Ngoài việc rèn luyện nghề đan móc và có thêm thu nhập, tại đây, các bạn còn có được môi trường giao lưu, học hỏi lẫn nhau thông qua công việc, phần nào xóa được sự mặc cảm, tự ti đối với xã hội. Đó cũng là một trong những mục đích thành lập cơ sở dạy nghề tại nhà của cô Hoa. Cô Hoa cho biết: “Đối với các em khuyết tật, đặc biệt là khuyết tật câm điếc, trong lúc làm việc, tôi chú ý tạo điều kiện cho các em trao đổi và giúp đỡ lẫn nhau theo kiểu vừa làm vừa chơi để tránh tạo áp lực cho các em, qua đó, các em cũng vui hơn”.
Để đảm bảo kinh phí hoạt động của cơ sở và trả công cho các em, cô Hoa phải tìm đầu ra cho sản phẩm. Hiện tại, vào các ngày thứ 3, 5, 7 và chủ nhật cô đi bán sản phẩm ở Khu du lịch sinh thái Phù Sa. Vào các ngày lễ, Tết số lượng sản phẩm bán ra nhiều hơn và chạy nhất là các vật dụng nhỏ gọn như móc khóa, túi đựng điện thoại di động, ví cầm tay,... Cô cho biết: “Khi trực tiếp bán sản phẩm, tôi có cơ hội nắm bắt thị hiếu và tiếp nhận ý kiến đóng góp của khách hàng. Từ đó, chúng tôi làm ra nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu của khách”.
Là chủ cơ sở, kiêm giáo viên dạy nghề miễn phí cho người khuyết tật, cô luôn trăn trở tìm cơ hội để mở rộng cơ sở dạy nghề miễn phí cho người khuyết tật, thu nhận thêm nhiều học viên, thiết kế thêm nhiều mẫu mã, làm phong phú thêm cho sản phẩm đan móc. Xa hơn, cả cô và các học viên còn có chung một niềm mơ ước: một ngày nào đó sẽ có cơ hội tham gia Lễ hội Đời sống dân gian Smithsonian do Viện Smithsonian (Học viện nghiên cứu và bảo tàng của chính phủ Hoa Kỳ) tổ chức tại Hoa Kỳ, để giới thiệu những sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc sắc mà tác giả của chúng là những học viên khuyết tật giàu nghị lực. Hy vọng rằng, với niềm tin và nghị lực, cô và trò Cơ sở dạy nghề Hoa Đan Móc sẽ biến những ước mơ thành hiện thực.
Bài, ảnh: Mỹ Tú